Nước Pháp nhìn từ góc khuất của người nghèo
Pháp là một trong những nuớc có tỷ lệ người nghèo thấp nhất châu Âu. Theo số liệu thống kê gần nhất thì tỷ lệ người nghèo của Pháp là 13,6%, còn thấp hơn cả Nauy và Thụy Điển (14,5%), là những nước Bắc Âu có mô hình kinh tế mà Pháp đang muốn học hỏi ; thậm chí thấp hơn cả Đức (16,7%), là nền kinh tế mạnh nhất trong khối EU. Không phải quốc gia có tỷ lệ người nghèo thấp hơn, nghĩa là anh giàu hơn các nước khác, vì chuẩn nghèo được tính toán dựa trên mức sống trung bình của mỗi quốc gia. Vậy đâu là ngưỡng nghèo ở Pháp?
Ở Pháp, một người bị coi là nghèo khi thu nhập cuối cùng nằm trong túi sau khi trừ các loại thuế má và đóng góp xã hội thấp hơn 1.026 euro mỗi tháng.
Khi được nhận danh hiệu nghèo chính thức, công dân đó đương nhiên được hưởng rất nhiều trợ cấp xã hội. Một cá nhân (độc thân) hỗ trợ thu nhập thấp RSA, trợ cấp nhà ở và thậm chí cả quà Noel hàng năm). Chưa kể các hoạt động thiện nguyện khắp mọi nơi, những phong trào quyên góp thực phẩm cho người nghèo… Ở Pháp không bao giờ có chuyện có người chết đói, trừ khi người đó ăn kiêng quá độ, hoặc người già sống đơn độc không may gặp nạn mà không thể kêu cứu.
Khi anh khá khẩm hơn một chút, nghĩa là anh có thu nhập theo mức lương tối thiểu ở Pháp, 1.155 euro mỗi tháng, anh cũng có thể có trợ cấp xã hội, vào khoảng 156 euro/tháng (vẫn là trường hợp độc thân).
Với đại đa số dân Pháp, không kể giàu nghèo, anh được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất thế giới. Không phải tất cả các dịch vụ này đều được bảo hiểm xã hội chi trả 100%, nhưng một khi đã bệnh tật, nhất là bệnh nặng, không một công dân nào phải chịu cảnh về nhà chờ chết vì không có tiền chữa trị.
Khi anh có thu nhập thấp, chi phí để con cái anh đi nhà trẻ được chính phủ hỗ trợ một phần, nhưng từ khi con anh vào mẫu giáo cho đến khi hết phổ thông, nếu học ở trường công, anh không phải đóng một đồng học phí (phải trả tiền ăn, tùy thu nhập của cha mẹ). Và học phí các bậc học cao hơn ở Pháp cũng thuộc diện rẻ nhất thế giới. Càng đông con, trợ cấp xã hội cho anh càng tăng lên, đến nỗi ở Pháp, sinh con cũng là một nghề nghiệp.
Ngoài ra còn vô số các loại hình trợ cấp xã hội khác : trợ cấp người già (nếu không có lương hưu, người từ 65 tuổi trở lên nếu sống một mình sẽ được trợ cấp 833 euro mỗi tháng), trợ cấp người tàn tật, trợ cấp cho những người tái hoà nhập, trợ cấp cho những người goá chồng goá vợ mà chưa đến tuổi nhận trợ cấp già, trợ cấp cho những người đang chờ đợi hoàn tất hồ sơ tị nạn…
Một khi tham gia vào thị trường lao động, anh được bảo vệ quyền lợi đến mức tối đa. Nếu anh chỉ làm việc tà tà, sáng bắt đầu từ 9h, ăn trưa nghỉ ngơi 1 tiếng, chiều về 5h (các công chức nhà nước còn nhẹ nhàng hơn nữa), thì lương tháng tối thiểu của anh phải là 1.155 euro sau khi trừ hết các loại thuế phí, nghĩa là anh không phải người nghèo ở Pháp nữa khi anh chịu lao động ở mức tối thiểu. Càng chịu khó làm thêm anh càng có thu nhập cao hơn, không một chủ nào dám gian lận của anh 1 giờ làm thêm, bởi công đoàn và các tổ chức thanh tra lao động luôn ngồi đó lắng nghe anh than thở. Bất kỳ nghề nghiệp gì, mỗi tháng anh đều có 2,5 ngày nghỉ, để hàng năm anh có 5 tuần đi nghỉ mà vẫn lĩnh lương. Khi kết thúc hợp đồng lao động, anh được thanh toán trợ cấp lao động ngắn hạn và được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tối đa là 3 năm tuỳ theo độ tuổi. Còn một khi chủ muốn cho anh nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng, thì cũng phải khốn khổ khốn nạn tập hợp bằng chứng cho lý do đuổi việc, hoặc cũng phải ỉ ôi dàn xếp đủ kiểu để anh có thể ra đi trong sự ổn thoả.
Trong quỹ thời gian ngắn ngủi không thể liệt kê hết các loại trợ cấp xã hội ở Pháp.
Tất nhiên vẫn có rất nhiều người nghèo không đủ ăn tiêu dù không chết đói. Xã hội nào cũng có. Nhất là những người nông dân sống ở những vùng quê hẻo lánh, gặp những năm thiên tai địch họa mất mùa, giá nông sản sút giảm, khó khăn là không tránh khỏi. Cái này đồng ý chính phủ phải có giải pháp hỗ trợ. Nhưng việc anh chấp nhận đóng thêm thuế cũng là biện pháp giúp đỡ những người cần giúp đỡ.
Có đến 65% dân nghèo Pháp tập trung ở các thành phố lớn. Ở những nơi đó, luôn luôn có công việc, nhưng không phải dân Pháp nào cũng chịu làm việc tay chân, kết quả là rất nhiều công việc phải dành cho dân nhập cư mà vẫn không đủ người. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp tương đối cao, không phải vì thiếu việc làm, mà có nhiều việc dân Pháp không chịu làm, hoặc chính sách thất nghiệp vẫn còn quá hấp dẫn.
Khoảng cách giàu nghèo đúng là mỗi ngày một tăng lên. 10% những người giàu nhất nuớc Pháp chiếm giữ 32.6% của cải xã hội (trong khi đó 10% người giàu nhất thế giới chiếm giữ 88% của cải, nên chênh lệch ở Pháp chưa phải là đáng lên án nhất), nhưng họ cũng là những người nộp thuế chủ yếu, cụ thể là phần trăm dân số này đóng góp vào ngân sách tới 60% tổng thuế thu nhập. Người thu nhập kém hơn, hầu như phải nộp thuế rất thấp. Có đến 50% những người thu nhập thấp thậm chí không hề phải nộp thuế. Một lao động ở tầng lớp trung lưu Pháp có thể lĩnh lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu, nhưng sau khi trải qua “phân phối xã hội” bằng việc đóng thuế, thì số tiền vào túi sẽ không còn quá chênh lệch với mặt bằng chung xã hội.
Đó là chưa kể đến thói quen tiêu dùng của người Pháp. Khi thế giới chưa phẳng, phương Tây còn nhiều độc quyền về công thương, họ sống giàu có và thoải mái với tiềm lực kinh tế và các chính sách xã hội rộng rãi hào phóng. Cùng với toàn cầu hoá, với các cuộc khủng hoảng kinh tế, Pháp trở nên khó khăn, nợ nần đầm đìa, nhưng phần lớn người dân vẫn sống với hào quang quá khứ. Dù nghèo đến mấy, họ vẫn phải có cuộc sống tinh thần phong phú (rất tốt, rất đáng hoan nghênh, nếu những thú vui này trong chừng mực, không quá tiêu tốn vào ngân sách vốn càng ngày càng khiêm tốn của họ, như thói quen đi ăn nhà hàng thường xuyên, rồi nghỉ hè, nghỉ đông…) Tiêu dùng thiết yếu của mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân là những thứ không thể bàn cãi. Nhưng ở Pháp, rất nhiều người hút thuốc lá. Trong số những người này, bình quân mỗi ngày mỗi người hút 10 điếu thuốc, mỗi tháng tốn khoảng 100 euro cho thuốc lá. Càng nghèo, càng thiếu tiền, càng phê phán chính phủ, họ càng tiêu thụ thuốc lá và rượu nhiều hơn. Nếu chi tiêu không hợp lý, thì dù tăng lương cơ bản đến bao nhiêu chăng nữa cũng là không đủ. Chưa kể, tăng lương tối thiểu tuy là nguyện vọng của người lao động, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ luỵ, như vật giá tăng cao, và ngay lập tức đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, khiến rất nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, đồng thời Pole emploi mở cửa để đón người thất nghiệp mới.
TẠI SAO « ÁO VÀNG GJ » PHẪN NỘ ?
Không phải tôi thấy không có vấn đề gì nghĩa là anh không có vấn đề. Đúng, ai cũng có vấn đề của riêng mình và có quyền lên tiếng, đó là đặc quyền của người dân xứ dân chủ.
Biểu tình ở Pháp như cơm bữa, với các đòi hỏi lẫn lộn, ví như GJ ban đầu đòi biểu tình chống tăng giá xăng dầu, với lý do cơm còn không có mà ăn, nói gì đến khí hậu, đồng thời vẫn có rất nhiều người khác sẵn sàng xuống đường nếu chính phủ không có biện pháp chống biến đổi khí hậu. Thông thường, chính phủ sẽ mặc kệ, vì bản thân các cuộc biểu tình sẽ tự giải quyết lẫn nhau vì sự mâu thuẫn trong đòi hỏi.
Vậy tại sao GJ phẫn nộ? Rất nhiều trong số họ có lý do chính đáng, nhưng phần lớn là... quá đáng, vì họ nghèo... hơn những người đã vất vả học hành và chăm chỉ làm việc. Đối với họ đó là bất công xã hội, là yếu kém của chính phủ.
GJ đã nóng đến mức không thể kiểm soát được, và nó có thể lật độ cả chính phủ, thay đổi thể chế xã hội sâu sắc. Vũ khí của họ là bạo lực. GJ đã phát động rất nhiều cuộc biểu tình trong sự thờ ơ của chính phủ, cho đến ngày họ phát hiện ra, chỉ có bạo lực mới khiến chính phủ phải lắng nghe. Lập luận của họ, không có cách mạng không bạo lực. Những GJ thật sự đã sớm từ bỏ phong trào, một phần còn lại trong số họ trở thành phần tử phá phách, một phần tham gia để cướp bóc, hôi của, phần khác khuyến khích kích động phá phách, và phần lớn còn lại tham gia biểu tình tạo điều kiện cho các tổ chức cực tả và cực hữu gây hỗn loạn xã hội như những gì đã thấy trong những ngày qua.
ÁO VÀNG GJ CÓ CHIẾN THẮNG?
Có, họ đã thắng. Yêu cầu đầu tiên của họ chỉ là không được tăng thuế xăng dầu. Chính phủ, sau 3 cuộc biểu tình căng thẳng, đã phải nhượng bộ, xoá bỏ hoàn toàn việc tăng giá xăng dầu. GJ nói, đã quá muộn rồi. Tôi muốn hơn nữa. Và thế là có biểu tình bạo lực phân cảnh 4.
Lần này, cảnh sát đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trong bầu không khí hừng hực của GJ đòi tiến về thủ đô để “phá phách và giết chóc” (“pour casser et tuer” theo nguyên văn của họ). Tuy kiểm soát được tình hình, tối thứ 2, tổng thống Macron vẫn phải chính thức phát ngôn trước toàn dân về những biện pháp làm dịu tình hình.
GJ đã thắng. Chính phủ nhượng bộ hoàn toàn. Những người nhận lương tối thiểu sẽ được trợ cấp thêm 100€/tháng bởi chính phủ. Người về hưu có lương hưu dưới 2.000 euro được giảm đóng góp xã hội, lương trên thời gian làm thêm không phải nộp thuế... Họ, GJ, một lần nữa, lại cho rằng, thế là quá ít. Họ lại kêu gọi một cuộc bạo động phân cảnh V vào thứ 7 tuần này. GJ đã chiến thắng, nhưng họ thấy chưa đủ, và họ sẽ mãi mãi không thấy đủ.
Còn Pháp đang và sẽ luôn là con nợ giàu có, như bài viết mọi người hay chia sẻ, anh đi xe hơi 2 tỷ nhưng anh nợ đến 20 tỷ trong ngân hàng. Đến một ngày nào đó, khi số nợ đến mức nào đó, khi chủ nghĩa dân tuý do Trump cổ suý lên ngôi, các quốc gia chỉ khư khư giữ cho mình, tăng lãi suất các khoản vay nuớc ngoài, Pháp sẽ khó thoát khỏi số phận của Hy Lạp hay Ý và Tây Ban Nha. Tệ hơn, các quốc gia có thể đòi nợ nhau bằng súng đạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét