DU HỌC - CON ĐƯỜNG KHÔNG BẰNG PHẲNG!
Bạn cứ nghĩ rằng khi bạn đặt chân lên một mảnh đất mới, nó sẽ rất đẹp và tất cả như đang chờ đợi bạn đặt chân đến vậy. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp cho những ai đi du lịch, còn nếu bạn là một sinh viên, người lao động hay muốn ở lại lâu dài thì nó quả là một hành trình gian nan không kém một cuộc mưu sinh để sinh tồn. Mình sẽ có một bài viết về thị trường việc làm thêm của các bạn sinh viên tại Paris. Dưới đây là một số kinh nghiệm rút ra dành cho các tân sinh viên đã hoặc chuẩn bị hành trang sang Pháp để du học.
SỐC VĂN HÓA VÀ HÒA NHẬP 🤔
Kalervo Oberg, môt nhà xã hội học, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “sốc văn hóa”. Khái niệm này nói đơn giản là một trải nghiệm căng thẳng, mất phương hướng của một cá nhân khi phải học cách sống và hòa nhập vào một nền văn hóa mới.
Sốc văn hóa thường được minh họa bằng một hình chữ U bao gồm 3 giai đoạn: Gia đoạn ngưỡng vọng, khủng hoảng và hòa nhập.
➡️ Giai đoạn “ngưỡng vọng”
Một vài tuần hoặc một vài ngày trước khi bạn lên đường đi Tây học, bạn thường cảm thấy thực sự phấn khích và một cảm xúc dâng trào của một niềm vui khôn tả. Nếu bạn cảm nhận đúng như vậy thì chuyến đi là sự chờ đợi, ước mong của bạn bấy lâu. Khi đặt chân đến đất nước mới, mọi thứ đều mới, lạ lẫm và dường như mọi thứ đều tuyệt vời. Lúc này bạn có tinh thần rất lạc quan, bạn muốn khám phá mọi thứ, thăm thú mọi nơi, thưởng thức những hương vị ẩm thực mới. Tóm lại bạn muốn có những trải nghiệm hoàn toàn mới.
➡️ Gia đoạn khủng hoảng và xung đột
Giai đoạn này thường trùng lập đúng vào lúc bạn cảm thấy mọi điều đều trở nên quen thuộc, trở thành nếp cũ (trong sinh hoạt hay trong cuộc sống). Đối với các bạn sinh viên thì giai đoạn khủng hoảng thường rơi vào lúc các khóa học bắt đầu. Khủng hoảng bắt đầu từ khi bạn chuyển từ “sinh viên du khách” sang “sinh viên du học”. Bạn phải đối diện với một thực tế học tập khác biệt với những gì bạn tưởng. Bạn luôn phải đối mặt với những điều khác lạ, những yêu cầu và đòi hỏi mà trước đây bạn chưa bao giờ phải đáp ứng. Sự khác biệt của hai hệ thống, hai đất nước, hai nền văn hóa sẽ liên tục đập vào mắt bạn, và đấy chính là những xung đột trong cách nghĩ, cách làm mà bạn phải giải quyết. Nhiều bạn bắt đầu so sánh và ngưỡng mộ đất nước quê hương bạn, chỉ trích đất nước bạn vừa đặt chân đến. Bạn cảm thấy bị mất phương hướng và các cách làm cũ của bạn không phù hợp hoặc không hiệu quả. Ở giai đoạn này, bạn thường trải qua các triệu chứng sau : mông lung, sốc, nhớ nhà và thường có thái độ ít cởi mở với những cái mới đang diễn ra xung quanh.
➡️ Giai đoạn hòa nhập
Giai đoạn hòa nhập diễn ra khá từ từ và đòi hỏi thời gian cũng như sự kiên nhẫn của bạn. Dần dần, bạn sẽ học được cách chấp nhận con người, văn hóa và các tập tục của đất nước mới mà không phán xét, không so sánh. Cũng dần dần bạn sẽ xây dựng các mối quan hệ xã hội với những người bản địa và những người đồng hương. Bạn sẽ cảm thấy ít bị cô đơn hơn. Bạn cũng bắt đầu có những cách nghĩ, cách làm giống người bản địa, và dần hình thành thói quen, nếp sống mới.
💃 Vượt qua “cơn sốc”
Không có phương pháp hay cách thức nào phù hợp cho tất cả các bạn. Mỗi người có một tính cách, một thói quen ăn sâu trong tiềm thức trước khi bạn đến một đất nước mới, vì thế sốc là chuyện dễ hiểu khi chúng ta phải thay đổi “hệ giá trị” đã gắn với chúng ta từ nhỏ. Tuy nhiên hiểu được quá trình diễn tiến tâm lý trong những ngày đầu đi Tây học là một điều cần thiết để chúng ta chủ động và sẵn sàng trải qua nó một cách dễ dàng.
Chúc các bạn kéo dài được giai đoạn ngưỡng vọng, vượt qua nhanh giai đoạn sốc và hòa nhập tốt với cuộc sống mới.
Bon courage et bonnes aventures!

Nhận xét